Tịnh xá là tên gọi của các ngôi chùa thuộc hệ phái Khất sĩ; dễ hiểu hơn là các công trình kiến trúc nhà cửa theo phong cách Phật giáo dành cho những người tu hành nghỉ ngơi, cầu nguyện, thiền định. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tịnh xá Trung Tâm TpHCM nằm tại quận Bình Thạnh qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu tịnh xá Trung Tâm TpHCM – Lịch sử hình thành
Như đã nói, tịnh xá là tên gọi của các ngôi chùa thuộc hệ phái Khất Sĩ. Đạo Phật Khất Sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; cụ thể là xuất phát tại Mỹ Tho. Mặc dù xuất hiện khá muộn so với các tôn giáo khác đã có cơ sở vững vàng nhưng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại. Người sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ ở Việt Nam là ngài Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt sinh năm 1922. Đến năm 1954, ngài quyết định lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu sau nhiều biến cố và mất tích kể từ đây. Để bày tỏ lòng tri ân đức đối với Tổ sư Minh Đăng Quang; hằng năm, cứ đến ngày 28 tháng Giêng âm lịch; toàn thể Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ tại các ngôi tịnh xá trên toàn nước đều đồng tâm hướng về Đức Tổ sư để tưởng niệm cuộc đời và đạo nghiệp của ngài.

Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc tại số 21 đường Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Tịnh xá được xây dựng từ tháng 4 năm 1965 đến 1975 trên mảnh đất có diện tích 5.490m2 do bà Diệu Kiến phát tâm cúng dường lúc bấy giờ. Vào năm 1980, tịnh xá một lần nữa được trùng tu, mở rộng bởi Hòa thượng Thích Giác Toàn và Hòa thượng Thích Giác Phúc đứng ra tổ chức; công trình này đã hoàn thành sau 4 năm xây dựng.
Tìm hiểu kiến trúc và công trình nghệ thuật của tịnh xá Trung Tâm
Tịnh xá Trung Tâm được người dân và khách hành hương khen ngợi bởi nơi nơi đây không chỉ sở hữu không gian thanh tịnh mà còn có kiến trúc đẹp; kết hợp được những yếu tố truyền thống và hiện đại. Khi bước vào tịnh xá; điều đầu tiên bạn nhìn thấy cổng tam quan với chiều cao 8m có ngọn đèn Chân Lý phía trên; cửa chính giữa rộng 5m và hai cửa bên rộng 3,5m.

Bước qua tam quan; bên tay trái sẽ là Bảo tháp Ngọc Phật được xây dựng vào năm 1998. Ngôi Bảo tháp có hình bát giác, cao chín tầng; tượng trưng cho Bát chánh đạo và Cửu phẩm Liên hoa. Bảo tháp do kiến trúc sư Trần Tuấn Anh có pháp danh Chúc Lạc thiết kế họa đồ kiến trúc; Thượng tọa Thích Giác Tuệ quản lý thi công. Tòa tháp này có đường kính chân 7m chưa tính lan can và cao đến 37m với 9 tầng tháp.

- Tầng 1: Đại Tạng Kinh Việt Nam và các kinh sách phổ thông dành cho Phật tử.
- Tầng 2: Đại Tạng Kinh Việt Nam và các kinh sách phổ thông dành cho Tăng Ni.
- Tầng 3: Đại Tạng Kinh chữ Hán.
- Tầng 4: Đại Tạng Kinh chữ Pali và tiếng Anh.
- Tầng 5: Đại hồng chung nặng 1200kg, cao 2,2m, đường kính 1,2m do gia đình Phật tử Phước Thiện – Hiếu Hạnh dâng cúng và Phật tử Nguyễn Văn Sở, nghệ nhân đúc chuông ở Huế thực hiện.
- Tầng 6: Di ảnh, linh vị, y bát, tro tàn Xá lợi cố Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhu (1912 – 1997) cùng chư Tôn Đức Giáo phẩm và chư Tăng.
- Tầng 7: Bảo tượng Tổ sư Minh Đăng Quang, linh vị chư Trưởng lão đại đệ tử của Tổ sư và các đức Thầy trưởng các Giáo đoàn đầu tiên.
- Tầng 8: Thờ Pháp Bảo Tam Tạng.
- Tầng 9: Bảo tượng đức Bổn sư, ngọc Xá Lợi Phật và đất thiêng do phái đoàn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thỉnh về năm 1994 từ 4 thánh tích ở Ấn Độ; 8 bức phù điêu cuộc đời đức Phật quanh đỉnh tháp.

Còn bên tay phải khi bước vào cổng tam quan sẽ là tượng Bồ Tát Quan Âm. Tượng Bồ Tát cao 9m đứng bên dưới đài sen sáu cánh cao 3m. Hai bên tượng có cặp rồng; mỗi con dài 12m. Bước thêm vào bên trong tịnh xá bạn sẽ thấy ngôi chính điện được chia làm hai tầng được xây theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Tầng dưới ở phía trước là giảng đường Minh Đăng Quang; phía sau là phòng khách và thư viện. Tầng trên là nơi thờ phượng với phía trước là Phật điện có hình bát giác với hai lớp mái. Chính giữa phật điện là nơi đặt tượng Thích Ca, tượng Thích Ca sơ sinh. Xung quanh tường có 8 bức phù điêu với mỗi bức cao 2,2m, dài 4,50m giới thiệu cuộc đời đức Phật Thích Ca. Căn nhà nối là nơi thờ Tổ Minh Đăng Quang; phía sau là nơi thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Còn bên phải và phía sau ngôi tịnh xá là các dãy nhà tăng, bên trái tịnh xá là thiền thất.
- Có thể bạn quan tâm: Review chùa Thảo Đường quận 6 – Ngôi chùa người Hoa trung tâm Sài Gòn

Hy vọng qua bài chia sẻ trên các bạn đã phần nào hiểu thêm về phái Khất Sĩ trong Phật giáo cũng như ngôi tịnh xá Trung Tâm TpHCM. Nếu có nhu cầu sắm sửa đồ thờ cúng hay lắp đặt bàn thờ trong nhà đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua website Battrangvn.vn hoặc hotline 0912992544 để được tư vấn tận tình.