Vu Lan là một lễ hội lớn của Phật giáo. Lễ thường diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch (rằm tháng 7) hàng năm. Lễ tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Lễ Vu Lan báo hiếu – an nhiên của cha mẹ là phước lành của con. Ơn sinh thành lớn như trời biển, mượn lễ Vu Lan tỏ lòng hiếu kính. Bỏ qua những bộn bề của cuộc sống mưu sinh nguyện ước bình an về bên cha mẹ.
“Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ …”
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống mưu sinh. Bài hát vang lên như báo hiệu một mùa Vu Lan nữa lại về. Mùa Vu Lan này ta vẫn còn cha, còn mẹ hay đã mồ côi giữa dòng đời.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu rất quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt
Cuộc sống hiện đại mãi cuốn chúng ta chạy theo vật chất phù hoa, tất bật với những lo toan sinh kế mỗi ngày. Vu Lan như một nốt trầm để tâm hồn lắng lại, hướng về tổ tiên về cha mẹ chốn quê nhà. Một ngày để chúng ta nhìn lại cội nguồn, hướng tâm về đấng sinh thành và nơi chôn nhau cắt rốn.
Cứ mỗi dịp Vu Lan về, khắp các chùa chiền và đền miếu của nước ta đều trang hoàn lộng lẫy mừng ngày hội toàn dân báo hiếu. Mọi người có dịp ngồi lại, cầu sức khỏe và bình an cho cha mẹ hay tưởng nhớ về những đấng sinh thành đã ra đi. Vu Lan không đơn thuần là một lễ hội mà nó còn là một nét văn hóa không thể thiếu trong tâm linh người Việt.
Sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp tù đày là khởi nguồn cho đại lễ Vu Lan báo hiếu. Dù đã là vị Bồ tát thoát khỏi hồng trần nhưng tấm lòng hiếu thảo đối với người mẹ tội lỗi của mình đã làm lay động lòng người. Bồ tát thỉnh chư tăng làm lễ báo ân cho mẹ vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, giúp bà thoát khỏi nạn tai.
Vu Lan báo hiếu – hãy để an nhiên của cha mẹ là phước lành theo bước chúng ta
Mùa Vu Lan về, ta tạm gác lại những lo toan của cuộc sống mưu sinh mà toàn tâm hướng về cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Tâm ta an nhiên cầu phúc lành cho các đấng sinh thành. Không mong vinh hoa hay phú quý, chỉ cầu sức khỏe, bình an và tinh thần tự do, tiêu dao, tự tại trong cuộc sống.
Thật hạnh phúc khi ta vẫn còn cài trên ngực áo đóa hoa màu hồng của đại lễ Vu Lan. Màu hoa như thể hiện tình yêu thương cao quý mà ta gửi đến cha mẹ. Cài trên ngực áo đóa hoa màu hồng của đại lễ Vu Lan, ta thấy mình thật may mắn biết bao khi còn có cha có mẹ để yêu thương, để được vỗ về những khi vấp phải chông gai của cuộc đời.
Nếu thấy ai đó cài trên ngực áo đóa hoa màu trắng tinh khôi, hãy cùng sẻ chia nỗi nhớ với họ. Bởi lẽ họ không hạnh phúc như ta khi còn có cha có mẹ. Vu Lan là dịp để họ tưởng nhớ về cha mẹ của mình, mang yêu thương theo lời cầu nguyện gửi gắm đến các đấng sinh thành đã ra đi.
Mùa Vu Lan báo hiếu, bạn rất dễ bắt gặp những hành động thể hiện tình yêu thương mang ý nghĩa tâm linh được mọi người thực hiện. Ngoài cầu nguyện bình an, cài hoa trên ngực áo, ta còn thực hiện các nghi thức tâm linh như phóng sinh, thả đèn hoa đăng, thuyền giấy, … Mỗi hành động như những lời cầu nguyện yêu thương, mong sức khỏe và an nhiên cho cha mẹ.
“Đêm đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con.” Những hoạt động của mùa Vu Lan như lời dạy về lòng hiếu thảo, về những gì mà cha mẹ đã hy sinh cho ta. Nó giúp ta có những phút giây lắng đọng trong tâm hồn, nhớ thương cha mẹ, dành nhiều thời gian hơn để ở bên người thân của mình.
Kết
“Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi!”
Vu Lan về, một mùa báo hiếu nữa lại đến. Bạn đã làm gì cho cha mẹ của mình hay chưa? Hãy giảm bớt những lo toan của cuộc sống mưu sinh, dành chút thời gian cho cha mẹ, tận hưởng từng phút giây hạnh phúc khi cài trên ngực áo đóa hoa màu hồng của mùa báo hiếu.
An nhiên của cha mẹ là phước lành của con. Dù ta cài trên ngực áo đóa hoa màu hồng hay đóa hoa màu trắng, hãy luôn mang trái tim chân thiện mỹ thể hiện tình yêu với cha mẹ của mình. Cuộc sống đổi thay, tất cả với ta đều có thể là phép thử. Duy chỉ có máu mủ ruột rà là mãi mãi vẹn nguyên. Vui sướng đi khi bạn còn có cha mẹ để yêu thương!